TIN NỔI BẬT


PHẢI LÀM SAO KHI BẠN KHÔNG THÍCH MÔI TRƯỜNG HỌC ĐẠI HỌC?

PHẢI LÀM SAO KHI BẠN KHÔNG THÍCH MÔI TRƯỜNG HỌC ĐẠI HỌC?

Để thích nghi môi trường, bạn bè và lượng kiến thức mới là điều không dễ dàng. Do vậy, bạn có thể khó hòa nhập với tất cả mọi thứ trong khoảng thời gian đầu học đại học. Đừng lo lắng, ai cũng đã trải qua một thời như thế!

1. Đây không chỉ là tình trạng của riêng bạn

Khi bước chân vào Đại học, bạn buộc phải “tiếp xúc” với nhiều điều mới lạ phải học cách làm quen và dần thích nghi với nó. Điều này dẫn đến tình trạng chán nản và bạn đang bắt đầu có suy nghĩ tiêu cực? Hay chăng bạn đang học không đúng chuyên ngành mong muốn, không đúng đam mê của bản thân?

Đừng lo lắng nhé bởi ai mới bước vào thời gian đầu của Đại học cũng đều bị “khủng hoảng” tâm lý như bạn nhưng mọi chuyện sẽ ổn thôi nếu bạn mở lòng mình và từ từ thích nghi với môi trường xung quanh bởi những con người mới, không gian mới, nhiều điều thú vị vẫn đang ở phía trước.

2. Đừng giữ những cảm xúc tiêu cực một mình

Bạn có thể gọi điện về cho gia đình, tâm sự với mẹ về những những khó khăn của bản thân hay cách tốt nhất là chia sẻ với bạn cùng lớp, cùng phòng để giải tỏa cảm xúc vì họ và bạn đều đang ở trong những giai đoạn giống nhau, dễ thấu hiểu, đồng cảm và khiến bạn bình tĩnh hơn về mọi chuyện sau khi trút được nỗi lòng.

 

Nếu bạn tiếp tục cảm thấy không vui hoặc chán nản, hầu hết các trường đại học đều có ban tư vấn, phòng giáo vụ. Đừng ngại ngần yêu cầu giúp đỡ từ họ – đây là một trong những cách giúp bạn tốt hơn. Tuy nhiên, hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán nản, bởi vì nếu nó không xuất phát từ nguyên nhân lớp học, trường học mà do vấn đề cảm xúc cá nhân của bạn, thì bạn nên xem xét và có những điều chỉnh thích hợp.

 

3. Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, Câu lạc bộ

Bước vào cánh cổng trường Đại học, một điều không thể bỏ qua là hãy tích cực tham gia các hoạt động tập thể của trường để khám phá bản thân mình và nhanh chóng hòa đồng vào môi trường mới. Hoạt động ngoại khóa, tham gia CLB khiến bạn tự tin, thoải mái hơn và giải tỏa được căng thăng trong cuộc sống.

 

4. Dành thời gian thư giãn cuối tuần

Sau một tuần học căng thẳng, bạn và nhóm bạn có thể rủ nhau đi du lịch hay ăn uống, xem phim để có cơ hội hiểu nhau hơn. Nếu có thể hãy về thăm gia đình, tìm lại bình yên và cân bằng cảm xúc khi về với vòng tay bố mẹ. Bất cứ điều gì bạn mong muốn thực hiện vào lúc căng thẳng hãy để dành đến cuối tuần và “bung lụa” nhé!

 

5. Tìm hiểu các trường Đại học khác

Nếu bạn luôn nghĩ rằng trường Đại học hiện tại chưa thực sự phù hợp với mình thì hãy tìm hiểu các trường Đại học khác. Bạn có thể tìm hiểu thông quá website hoặc trực tiếp đến các trường khác để cảm nhận về nó – liệu môi trường học tập nào là phù hợp với bạn?

 

Bạn đang học ở ngôi trường lớn thì hãy thăm những trường có quy mô nhỏ hơn và ngược lại để có cơ hội trải nghiệm thực tế nhiều hơn.

Hãy cân nhắc trước quyết định thi lại và đổi trường mới, bạn sẽ phải chậm một năm và cũng chưa chắc kết quả thi sẽ như mong muốn.

 

6. Đừng quá lo lắng, hoảng sợ

Thời gian sẽ khiến bạn quen dần với cuộc sống ở Đại học, biết đâu bạn lại tìm thấy một khía cạnh rất khác của mình và cảm thấy yêu thích nó. Lo lắng và hoảng sợ làm bạn nản chí vì thế hãy thoải mái và tự tin để dám đương đầu với những thử thách, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm rất hữu ích cho công việc sau này đấy.

“Thanh xuân vườn trường” là khoảng thời gian đẹp nhất và những năm tháng Đại học là nơi níu giữ nhiều kỉ niệm khó quên trong thời còn đi học, hãy cứ mở lòng đón nhận những điều mới, tích cực tham gia hoạt động trong trường, kết bạn thật nhiều, vui chơi thỏa thích để ghi dấu tuổi trẻ của bạn!

 

Nguồn: kenh14.vn

 



Trả lời

Call Now